* Vị trí địa lý:
Xã Bình Giang nằm về phía Đông Bắc của huyện lỵ Thăng Bình, là một trong những xã thuộc về vùng Đông của huyện; trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi người Việt mở mang bờ cõi về phía Nam; nhiều cuộc di dân, khai đất, lập làng và tổ tiên của người dân Bình Giang cũng hình thành lên từ đó. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, vừa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa phải đấu tranh gian khổ với hiểm họa xâm lăng của kẻ thù xâm lược; đặc biệt, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp lãnh đạo, Nhân dân Bình Giang đã sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã tập hợp đông đảo dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, nghe theo tiếng gọi của Đảng, không ngại gian khổ hy sinh, cống hiến sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng góp phần xứng đáng cùng toàn huyện và cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn sinh động đã hội tụ và hình thành nên vùng đất Bình Giang giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Chặng đường lịch sử đi qua đã gắn liền mồ hôi, công sức và xương máu của bao thế hệ người Bình Giang với nhiều chiến công chói lọi trong các cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Ghi nhận công lao to lớn đã đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, cán bộ và Nhân dân xã Bình Giang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vì đã cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
* Điều kiện tự nhiên:
Diện tích tự nhiên toàn xã là 1.717ha, trong đó, đất nông nghiệp, thủy sản chiếm 748,02ha, được trải dài về phía Tây sông Trường Giang, diện tích đất canh tác có lượng phù sa màu mỡ, thích nghi với cây lúa, cây công nghiệp ngắn gày và các loại hoa màu phụ. Khí hậu thuộc vùng nhiệt đới gió màu, nhiệt độ trung bình hằng năm 28 độ C, lượng mưa trung bình 2.500mm, độ ẩm trung bình 83%. Đối với Bình Giang, Sông Trường Giang giữ vai trò quan trọng đối với đời sống và sản xuất của nhân dân, vừa là tuyến giao thông đường thủy quan trọng, mở ra khả năng giao thương đi lại bằng thuyền giữa Bình Giang với nhiều địa phương trong huyện và TP Tam Kỳ, Hội An.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Bình Giang (1930-2015)