1. Biện pháp kỹ thuật sản xuất đầu vụ
a) Làm đất, vệ sinh đồng ruộng: Thu hoạch lúa Đông Xuân đến đâu, bà con
nông dân nên tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi ruộng đến đó, nhằm cải tạo đất đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ. Khẩn trương dọn mương tưới tiêu trước khi các hồ, đập thả nước để gieo sạ. Khi sạ làm đất bằng phẳng, vùi lấp cỏ dại.
Trên một số chân ruộng trũng chua phèn, nhiễm mặn tăng cường việc bón vôi trước khi sạ ít nhất 10-15 ngày.
b) Thời vụ và cơ cấu giống: Thực hiện đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh ban hành. Vụ sản xuất Hè Thu chỉ sử dụng giống ngắn và trung ngày (giống có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày) để gieo sạ. Được chia thành 02 trà chính sau:
- Trà 1: Gieo sạ từ ngày 20-25/5/2024 bố trí những giống có thời gian sinh
trưởng từ 95-105 ngày như BC15, TBR225, ĐT100, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Thiên
Ưu 8, VNR20, TBR97, ĐB18…
- Trà 2: Gieo sạ từ ngày 25/5-05/6/2023 bố trí những giống có thời gian sinh
trưởng từ dưới 95 ngày như HT1, PC6, HN6, Hương Châu 6, VNR10, DCG66, ML232, HG12, Đài thơm 8…
Lưu ý, nên sạ cùng trà, cùng loại giống trên từng cánh đồng để dễ áp dụng
biện pháp tưới nước tiết kiệm, dễ chăm sóc, thu hoạch và hạn chế sâu bệnh gây hại.
c) Sử dụng thuốc trừ cỏ: Việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ (tiền nảy mầm
hoặc hậu nảy mầm) thích hợp cho từng loại cỏ trên các chân ruộng và đúng kỹ thuật là điều rất cần thiết. Để sử dụng thuốc trừ cỏ hiệu quả, cần tuân thủ liều lượng và cách sử dụng đúng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Lưu ý: Không hỗn hợp thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nảy mầm để phun.
d) Kỹ thuật tưới nước cho lúa: Theo dự báo, vụ Hè Thu 2024 khả năng xảy
ra tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới rất cao. Vì vậy, cần áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” để tiết kiệm nước theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đã ban hành.
2. Biện pháp diệt chuột: Thời điểm hiện nay đang là thời gian chuyển vụ
gieo trồng, thức ăn của chuột ở ngoài đồng ít, chuột thường sống và gây hại tập trung trên một số khu vực nhất định như vùng gò, đồi, bờ tre, bờ ruộng... Do đó, tổ chức diệt chuột vào thời điểm hiện tại ở những nơi này sẽ đem lại hiệu quả cao.
Tổ chức họp dân để phát động và xây dựng kế hoạch diệt chuột cụ thể, xác định khu vực có chuột sống tập trung, ra quân đồng loạt, tìm kiếm các hang ổ chuột, hun khói, đổ nước, đào bắt... để diệt chuột. Chú ý, trong quá trình đào bắt hang ổ
chuột không làm hư hỏng công trình thủy lợi. Cần kết hợp đặt bẫy, bả ở những khu vực chuột thường xuyên qua lại. Để việc ra quân diệt chuột đạt hiệu quả cao và xuyên suốt cả vụ, các thôn cần thực hiện tốt hướng dẫn của ngành nông nghiệp, xây dựng kế hoạch diệt chuột cho cả vụ để chủ động phòng trừ trong từng giai đoạn (chuẩn bị kinh phí, hình thức diệt chuột, thời gian thực hiện...). Diệt trừ chuột hại phải mang tính cộng đồng và toàn diện, phải có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành ở địa phương.
* Ốc bươu vàng: Kết hợp với việc tổ chức ra quân diệt chuột cần tổ chức thu gom ốc bươu vàng và ổ trứng, tại các ao hồ kênh mương, sông suối, để hạn chế Ốc gây hại lúa mới sạ. Trong những vùng ruộng trũng Ốc thường xuyên gây hại, cần phải bắt ốc trưởng thành, thu gom ổ trứng để hạn chế ốc gây hại ở mức thấp nhất.
Trong gieo sạ không nên sạ lan mà cần lên luống, có rãnh thoát nước, nếu mật độ Ốc cao có thể sử dụng thuốc BVTV phun theo rãnh vào sáng sớm hoặc chiều mát
3. Chuyển đổi cây trồng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng,
trên đất lúa kém hiệu quả, khó khăn nước tưới sang sản xuất các cây trồng cạn có
giá tri kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương như cây Lạc, Mè, cây Ngô, dưa, đậu các loại..